Theo bộ luật lao động Việt Nam năm 2012, cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định.
Danh mục các ngành nghề được phép cho thuê lại lao động
Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 29/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 03 năm 2019 của Chính phủ quy định rõ 20 danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động bao gồm:
- Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký
- Thư ký/Trợ lý hành chính
- Lễ tân
- Hướng dẫn du lịch
- Hỗ trợ bán hàng
- Hỗ trợ dự án
- Lập trình hệ thống máy sản xuất
- Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông
- Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất
- Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy
- Biên tập tài liệu
- Vệ sĩ/Bảo vệ
- Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại
- Xử lý các vấn đề tài chính, thuế
- Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô
- Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất
- Lái xe
- Quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển
- Quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí
- Lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay/Bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay/Điều độ, khai thác bay/Giám sát bay